“Bộ Y tế chưa cấp phép cho bất kỳ Công ty nào nhập khẩu nấm linh chi Hàn Quốc”
“Có lần tôi đã có dịp đi tới tỉnh An Huy – nơi trồng dược liệu ở Trung Quốc, hoặc có nơi trồng nấm linh chi theo công nghệ của Nhật Bản và Hàn Quốc đặt hàng, sau đó thu hái sản phẩm này. Các sản phẩm này đều có thể đóng dấu nấm linh chi Hàn Quốc, hoặc Nhật Bản”- PGS. Phương cho biết.
PGS.TS Trần Thị Hồng Phương. Phó Cục trưởng Cục Quản lý Y – Dược cổ truyền, Bộ Y tế
Vị chuyên gia y dược cổ truyền này cũng cho biết: “Trong thời gian vừa qua, tôi chưa thấy một công ty nào nhập khẩu nấm linh chi chính ngạch theo giấy phép của Bộ Y tế. Có một công ty cũng lên xin phép Bộ Y tế nhập khẩu, nhưng khi được hỏi về vùng trồng ở Hàn Quốc thì doanh nghiệp không quay lại nữa. Tôi xin chia sẻ, nấm linh chi ở Hàn Quốc, Trung Quốc hay Việt Nam đều có tác dụng như nhau khi chúng tôi đưa vào kiểm định. Như nấm ở Việt Nam đã kiểm nghiệm thấy hàm lượng hoạt chất, yếu tố vi lượng khá cao, có tác dụng hỗ trợ điều trị mỡ máu, hỗ trợ điều trị ung thư…. Như vậy, dù là nấm linh chi trồng ở đâu, Hàn Quốc, Trung Quốc hay Việt Nam nếu khi kiểm nghiệm có hàm lượng hoạt chất thì đều là sản phẩm tốt”.
“Tôi xin chia sẻ thêm, có lần tôi đi Hàn Quốc và biết được có những nơi nhập nấm từ Trung Quốc rồi đưa về Hàn Quốc bán cho khách du lịch, còn nấm lấy ở Hàn Quốc chưa rõ ràng. Người dân không nên quá cầu thị, chỉ cần mua nấm của các cơ sở có uy tín, được kiểm nghiệm còn hơn các sản phẩm được quảng cáo xách tay mà chúng ta không biết nó thực sự đến từ đâu”- PGS. Phương nói thêm.
Thận trọng với nhân sâm ngoại
Hiện nay, nhiều người rất chuộng các loại dược liệu “xách tay” như nhân sâm, nấm linh chi Hàn Quốc… và quảng cáo chúng có công dụng thần thánh cho sức khoẻ. Liệu những dược liệu này có thật sự tốt không trong khi ở Việt Nam cũng có các loại dược liệu này? PGS. Phương cho rằng, nhân sâm có nhiều loại, nhiều xuất xứ, từ Hàn Quốc gọi là sâm cao ly, từ Trung Quốc gọi là cát lâm. Nhưng sâm này qua quá trình điều tra, nghiên cứu, các chuyên gia cho biết, hầu hết đều từ nhân sâm của Trung Quốc, bằng công nghệ chế biến ra sản phẩm hồng sâm hoặc hắc sâm. Dù loại nào cũng đều có tác dụng rất tốt cho sức khỏe, giá thành của 2 loại này cũng khác nhau.
Hình ảnh nấm linh chi được bày bán ở nước ngoài. Chuyên gia y dược cổ truyền cho biết: “Loại này đã bị chiết hoạt chất sau đó sơn bóng bề mặt cầm nhẹ tênh, nếm không có mùi đặc trưng của linh chi và nếm không còn vị đắng. Giá khoảng 200 nghìn/kg”.
Ở Việt Nam chúng ta có sâm ngọc linh, thế giới rất ưa chuộng, tuy nhiên có một số loại như gọi là “sâm cho người nghèo” như rễ đinh lăng lâu năm, cũng không khác gì sâm cả, người ta thường lấy từ vườn nhà để ngâm rượu hoặc sắc uống, có tác dụng hoạt huyết dưỡng não, tăng sức đề kháng, có tác dụng tốt như với phụ nữ cho con bú. Hay sâm tam thất ở miền núi phía Bắc cũng có tác dụng rất tốt. Hiện nay PGS. Hoàng Minh Trung có một công trình nghiên cứu về đẳng sâm cũng có tác dụng rất tốt. Như vậy không nhất thiết phải dùng nhân sâm hoặc linh chi của Hàn Quốc hay Trung Quốc vì giá thành cao, tốn kém, chúng ta có thể dùng các sản phẩm có sẵn tại Việt Nam.
“Nhân sâm tại Trung Quốc nhiều khi cũng bị triết bớt saponin đi, rồi đưa về Việt Nam, khi nấu lên không còn mùi vi, ăn như khoai, cho nên việc mua và sử dụng các sản phẩm nhân sâm có xuất xứ từ Trung Quốc chúng ta cũng cần thận trọng”- chuyên gia nói.
Chỉ qua kiểm nghiệm mới biết thật, giả
PGS.TS Trần Thị Hồng Phương cho biết: “Với nấm lim xanh mọi người thường cho là có tác dụng điều trị bệnh ung thư. Để tìm nấm lim xanh từ tự nhiên rất hiếm và không còn nhiều trong tự nhiên. Chúng tôi đã đi khảo sát ở Quảng Nam là vùng được biết đến nơi khai thác nấm lim xanh, trên thực tế là không còn. Qua các công trình nghiên cứu khoa học cho thấy nấm lim xanh có tác dụng điều trị ung thư và một số tác dụng khác. Tuy nhiên, hiện nay các nấm khác mà chúng ta nuôi trồng theo đúng quy trình GAP cũng có tác dụng như vậy không nhất thiết phải dùng nấm lim xanh. Còn về sâm ngọc linh được phát hiện từ thập kỷ 70 của thế kỷ trước, đây là dược liệu quý, là sản phẩm quốc gia, theo các nghiên cứu trong sâm ngọc linh có 52 loại saponin, có 26 loại saponin giống sâm cao ly của Hàn Quốc, rất tốt, còn 26 loại saponin chưa có ở sâm nào cả. Bộ Y tế đã đưa vào chương trình bảo tồn và phát triển. Sâm ngọc linh khai thác từ tự nhiên rất hiếm và rất tốt. Khi đi vào vùng trồng sâm ngọc linh , được bảo vệ rất nghiêm ngặt. Chỉ có kiểm nghiệm mới biết được đó có phải sâm ngọc linh hay không. Nếu đi mua lưu truyền trên mạng có nhiều loại như sâm tam thất và một số củ khác cũng có hình dáng tương tự như sâm ngọc linh nhưng giá trị không bằng sâm ngọc linh được. Chỉ qua kiểm nghiệm mới biết chính xác đó có phải sâm ngọc linh hay không”. TS. BS Trần Thái Hà – Trưởng khoa Lão, BV Y học cổ truyền Trung ương cũng khẳng định: “Sản phẩm sâm ngọc linh, nấm lim xanh, linh chi của Việt Nam là sản phẩm quý hiếm và được bảo tồn. Sâm Ngọc linh quý hiếm được phát hiện năm 1973, qua các công trình nghiên cứu đã được ghi nhận tại các hội nghị khoa học quốc tế khẳng định sâm ngọc linh rất quý, có hàm lượng saponin cao. Người nước ngoài từ Hàn Quốc, Trung Quốc cũng về Việt Nam săn tìm và mua sâm ngọc linh rất nhiều, có thời điểm giá sâm ngọc linh lên vài chục trên trăm triệu đồng. Ở Quảng Nam và Kon Tum sâm ngọc linh rất tốt. Việc nuôi trồng, quản lý, quảng bá hình ảnh, truyền thông, công nghệ của chúng ta còn thấp. Ở Hàn Quốc sâm chế biết dưới dạng bột, viên nang… nếu Việt Nam làm được thì có thể thu được giá trị lớn. Hiện Việt Nam đã nuôi trồng được nhưng chưa có điều kiện phát triển mạnh. Sâm có thể hỗ trợ điều trị trong bệnh lý tim mạch, ung thư. Linh chi ở Việt Nam được trồng nhiều ở Đà Lạt. Cũng như các sản phẩm khác cũng có thể bị làm giả, cần dùng đúng chỉ định của bác sĩ, nếu dùng tốt sẽ có hiệu quả điều trị”. |
Dương Hải
Nguồn: Sức khỏe & Đời sống, cập nhật 14:10 03/11/2017 GMT+7
https://suckhoedoisong.vn/bo-y-te-chua-cap-phep-cho-bat-ky-cty-nao-nhap-khau-nam-linh-chi-han-quoc-n138045.html